Những thông tin cơ bản về chim Yến Canary

Nhiều con chim Yến màu đỏ son và mã não ( agate ) của các nghệ nhân ở Việt Nam chúng ta nuôi hiện nay dường như là đẹp hơn các chim đỏ và mã não trước kia nhập từ Pháp hay Hồng Kông sang .

Bài viết này để chia sẻ với các bạn về cách nuôi và chơi yến Canary như thế nào nhé. Chúng ta cùng bàn về kỹ thuật nuôi chim yến hót nhằm giúp các bạn mới tiếp xúc, mới chơi chim Yến nắm được những kiến thức và kỹ thuật cơ bản để nuôi được những con sống mạnh khỏe, cho chúng ta sản phẩm là tiếng hót tuyệt vời của nó.
Phần hai sẽ bàn về nghệ thuật chơi yến hót và tính văn hóa của nghệ thuật chơi chim. Nếu các bạn đồng ý như vậy mình sẽ cố gắng trình bày những kinh nghiệm bản thân trong quá trình nuôi chim yến hót Kanari từ năm 1980 đến nay để giúp các bạn mới chơi có được những kiên thức cần thiết nhất, cơ bản nhất như một sự nhập môn của nghề chơi này. Cũng xin phép các bạn đã chơi lâu năm và nhiều kinh nghiệm, mình làm việc này đối với các bạn chắc là nhạt nhẽo lắm và xem như đánh trống qua cửa nhà sấm, chỉ hy vọng nó giúp ích chút gì cho ace mới chơi còn bỡ ngỡ. Mong các bạn bớt chút thời gian cùng thảo luận để mọi người cùng chơi vui vẻ. Chúng ta bắt đầu nhé.

Đặc điểm sinh lý của Chim yến Canary

Có lẽ con chim yến hót đã vào Việt Nam ta lâu lắm rồi, vì thế trong Truyện Kiều cụ Nguyên Du đã viết rằng:

“Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh”

Trong bài về mẫu Liễu Hạnh cũng có đoạn như sau:

“ Cảnh như vẽ Gió hây hây

Hoa đào mỉm miệng liễu giương mày

Trong bụi oanh vàng kêu ríu rít

Đầu nhà én (yến) đỏ hót hay”

Tuy nhiên trong nhiều tài liệu hiện nay người ta cho rằng quê hương của chim yến hót ở đảo Canaries thuộc Đại Tây dương và đảo Acores thuộc nước Bồ Đào Nha, mới du nhập vào Việt Nam chừng 100 năm nay.

Chim yến hót thuộc nhóm chim nhỏ, ăn hạt nhưng cũng ăn những chế phẩm từ động, thực vật như bôt trứng, sâu và côn trùng nhỏ. Chiều dài từ đầu mỏ đến chót đuôi từ 16 đến 18cm, cao từ 6 đến 8 cm, nặng 28 đến 35g. Bộ lông nguyên thủy màu xanh xám loang lổ, trong quá trình từ thế kỷ 16 đến nay người ta đã lại tạo được những giống yến có màu lông rất đẹp, tập trung vào 4 màu chính là vàng, đỏ, trắng và xanh. Từ bốn màu này nhiều nhà nuôi yến lại lai tạo ra Isavel, Agad, hoàng tuyết (hoàng phủ), đỏ tuyết (đỏ phủ)…nói tóm lại về sự mong ước lai tạo ra được những giống yến có màu sắc đẹp chưa dừng lại.

Do được thuần hóa nhiều thế hệ nên chim yến có một vài đặc điểm tâm, sinh lý đã thay đổi nhiều so với chim hoang dã:

-Tâm lý ổn định, ko sợ người vì thế chim yến ko có khái niệm chim mộc, chim thuần.

-Chất lông chim yến có độ thấm nước cao hơn chim hoang rất nhiều.Chúng ta cần nắm vững đặc điểm này để có phương án tắm nước phù hợp cho chim yến trong những thời kỳ thời tiết có biến động để tránh vô tình gây bệnh cho chim.

-Sức chịu rét kém tổ tiên của chúng rất nhiều vì đã sống quá lâu ở miền nhiệt đới.

-Chim yến dễ mắc bệnh hơn chim hoang.

-Màu lông dễ bạc nếu ko có chế độ chăm sóc hợp lý. Đó là năm đặc điểm mà bất cứ bạn nào cũng có thể nhận ra sau một thời gian nuôi yến hót.thông tin cơ bản về chim yến canary

Yến vốn là giống chim hoàn toàn đuợc nuôi và sinh sản trong lồng, tuyệt nhiên không có trong đồng hoang của nước ta. Yến hót nguyên quán từ các đảo Canaries trong Đại Tây Dương được các thuyền nhân người Tây Ban Nha đem về nước họ nuôi trước tiên vào khoảng trước năm 1500. Trên đảo Canaries chúng sống ngoài thiên nhiên rất nhiều và dạn dĩ bay nhảy trong vườn tược như chim se sẻ trong các thành phố của ta vậy.
Do đặc tính dễ thích hợp với mọi khí hậu và đời sống nhỏ hẹp trong lồng sinh sản, ít bệnh tật lại có giọng hót êm đềm, hình dáng thanh nhã, nhiều màu sắc khác nhau, nhanh chóng chim Yến hót được các nước Âu châu biết đến và nhiều người ưa thích. Vào thời ấy Yến hót rất hiếm và đắt giá. Mãi đến 200 năm sau vào khoảng năm 1700 mới có những nhà nuôi chuyên nghiệp cho sinh sản ra được nhiều, chim Yến hót mới bắt đầu được phổ biến cho nhiều giới ưa thích chơi. Mỗi năm số chim Yến bán ra trong các nước Âu châu mỗi tăng, từ hàng chục nghìn lên hàng trăm nghìn và đến hàng triệu con. Việc nuôi chim Yến gây nên thích thú và lợi nhuận, do đó các nhà nuôi chim bỏ công ra nghiên cứu cho lai tạo với các giống chim địa phương để biến đổi ra nhiều dáng chim mới lạ. cũng nên biết Yến hót thuộc họ chim tước và con mái có thể thụ tinh được với một số chim khác thuộc họ chim tước với chúng. Trong vấn đề này người Anh cho lai chủng ra được nhiều giống chim Yến rất to con như các chim Yorkshire, Lancashire, Manchester, Norwich v,v… Người Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Đức ,v,v… đều có cho lai chủng ra được nhiều giống chim mang tên địa phương của nước họ.

Những nghệ nhân nuôi chim Yến Canary có người chủ tâm đến việc cải tạo hình dáng và màu sắc, có người chuyên tập luyện giọng hót vì giống chim này thường hay bắt chước các giọng hót khác. Trong hoang dã cũng thế, chúng hót nhiều giọng khác nhau. Tuy nhiên các giống chim nuôi có giọng được tập luyện là các giống chim Malinois, Saxon, và Harzer. Hai giống chim sau thuộc các giống chim của người Đức. Đặc tính của các giống chim hót này như chim Malinois có sắc lông màu vàng từ nhạt đến sậm là đặc sản của các nghệ nhân người Bỉ và vùng bắc nước Pháp giáp Bỉ, tiếng hót trong và vui, những nghệ nhân vùng này tập luyện giọng hót của chim Yến theo tiếng hót của chim họa mi. Giống chim Saxon là đặc sản của những nghệ nhân vùng Saxe và phụ cận. Đặc điểm của giống chim này mình tròn mập, ngắn đòn như chim se sẻ, màu vàng. Chúng hót há mỏ ra, tiếng dài, cao và nặng giọng trên âm R. Tiếng hót không có âm trầm, thiếu thay đổi trong nhạc điệu. Đặc tính của giống chim này là rất khỏe, sinh sản thật tốt, nuôi con giỏi. Một con mái có thể nuôi trên 15 con chim con qua nhiều ổ đẻ trong năm.
Giống chim hót nổi tiếng nhất là giống chim Harzer, cũng là đặc sản của các nghệ nhân Đức vùng Harz. Nơi đây có nhiều gia đình nuôi chim Yến hót cha truyền con nối nhiều đời, tạo ra giống chim hót này nổi tiếng trên thế giới. Từ năm 1880, chỉ nội vùng này đã xuất khẩu trên 300.000 con chim hót sang khắp các châu Mỹ, châu Phi, châu Úc và châu Âu. Mỗi năm số chim ở vùng đó bán ra càng tăng vọt. Đặc điểm của giống chim này thoạt tiên có các sắc lông màu xanh lục và vàng, sau đó có các con chim vá. Chim hót Harzer hình dáng mảnh mai, vui vẻ lanh lẹ. Khi hót nó đứng thẳng mình trên cây đậu , cổ họng phồng ra , hít vô thở ra đều đặn , miệng ngậm lại . Giọng hót dài , âm giai khi bổng lúc trầm , chậm rãi , êm ái du dương . Chúng hót như một nhạc sĩ thật sự lôi cuốn người nghe phải yên lặng theo dõi hàng giờ không chán . Các nghệ nhân luyện cho giọng hót của giống chim nầy càng gần với âm vận của tiếng nhạc dương cầm càng hay . Tuy nhiên , tất cả các con Yến hót đều không hót giống y như nhau , mỗi con đều có một cách hót khác . Trong giống chim Harzer có những đặc tính của giọng hót như đã nói , nhưng mỗi con , tùy nghệ nhân nuôi và tập luyện , hót mỗi cách . Vì vậy các nghệ nhân thường hay tổ chức các cuộc thi tuyển để chọn con hót hay nhất theo tiêu chuẩn qui định của họ đặt ra mà chấm điểm . Điều đó thật là thích thú và kích động các nghệ nhân tập luyện giọng cho chim Yến hót của mình . Vào năm 1900 , trong cuộc thi tuyển tổ chức ở hội chợ hàng năm của thành phố Lai-xích của Đức , có một nghệ nhân làm thợ gởi đến dự thi một số giống chim Yến giống chim Harz , kết quả làm chấn động dư luận . Các con chim này có một giọng hót dài trong trẻo với các âm điệu trầm thay đổi rõ ràng từng khúc điệu mà trước kia chưa ai nghe một chim Yến hót như vậy . Trước các giám định và nghệ nhân ở đó quả thật là một nhóm nhạc sĩ đang trình diễn một bản nhạc . Cuộc thi tuyển nầy đã làm cho nghệ nhân nuôi được bầy chim đó rất nổi tiếng và sự thành công vô cùng to lớn . Mỗi con chim hót đó được mua từ 1000 đến 1200 quan , trong khi vào thời đó giá một con chim Yến hót tốt nhất chỉ bán có 20 quan .

Màu sắc trong chim Yến cũng rất thích thú , như trong hội họa . Những nghệ nhân nuôi chim Yến có thể tạo ra nhiều màu sắc với những con chim của mình nuôi . Có rất nhiều màu từ màu trắng tuyết đến màu đỏ son , màu đồng , màu thau , màu nâu , màu xám , màu chì , màu vàng , màu cam …Có con tuyền sắc , có con mang ba bốn màu trên một bộ lông , có cả trăm dạng màu sắc khác nhau . Tất cả đều do nghệ thuật của các nghệ nhân pha ghép chim để tạo ra . Điều cần biết là có những qui luật về màu sắc khi ghép chim , màu sậm lẫn lấp màu nhạt , màu đen và màu nâu chi phối màu vàng , màu cam . Màu nào tương hợp với màu nào và màu nào tương phản với màu nào . Phân tách màu sắc ta thấy màu xám là pha trộn giữa màu đen và trứng , màu xanh lục giữa xanh và vàng , màu nâu giữa xanh vàng và đỏ …Vấn đề màu sắc khó mà trình bày khái quát vì nó có những qui luật và thực tế khi áp dụng những sắc tố trong chim Yến có thể thay đổi tùy theo khí hậu , thức ăn mà các nghệ nhân nuôi hay do sự di truyền tiềm ẩn nào đó mà ta không thấy được . Loại chim Yến trắng gốc từ Âu châu nuôi ở Tân Tây Lan đẻ con ra màu trắng tuyết long lanh đẹp hơn là chim trắng gốc . Nhiều con chim Yến màu đỏ son và mã não ( agate ) của các nghệ nhân ở Việt Nam chúng ta nuôi hiện nay dường như là đẹp hơn các chim đỏ và mã não trước kia nhập từ Pháp hay Hồng Kông sang .

Chim Yến Canary có thể sống từ 5 đến 7 năm , so với tuổi thọ của người thì mỗi tháng tuổi của chim Yến bằng 1 năm tuổi của ta . Một con chim Yến sống 5 năm bằng tuổi người 60 . Trên căn bản đó , các bạn muốn chơi chim Yến để chọn chim nuôi phải đến 1 năm tuổi con chim Yến mới bắt đầu trưởng thành và phát triển sinh sản . Con chim trống từ 2 năm trở lên , tiếng hót mới trong trẻo , rõ ràng và không thay đổi . Những bạn mới nuôi nên chọn chim khoảng 1 năm tuổi thì vừa , già quá chim hết khả năng sinh sản , non quá thì mất nhiều thời gian nuôi . Tâm lý người mới nuôi nôn nóng muốn thấy một tổ chim non hoặc nghe chim trống hót , chờ đợi dễ chán và thất vọng . Vả lại chim non lớn lên phải trải qua một thời kỳ thay lông đầu tiên có phần quyết định cho tương lai của chim . Trong thời gian này mà không biết cách chăm sóc kỹ chẵng hạn như cho tắm , cho ăn không đều đặn …màu lông bị phai nhạt và thay lông kéo dài không dứt làm sức khỏe của chim sút kém có khi mất khả năng sinh đẻ hoặc không hót . Chim khoảng 1 năm tuổi , đã thay lông đầu tiên xong , nhìn thấy bộ lông mướt ráo , ngực nở nang , hai chót cánh tréo lại nhau , luôn hồi chớp cánh như muốn bay , đôi chân bóng , vảy chân không sần sùi , đó là con chim sung mãn , sẵn sàng bắt cặp được . Đem về nuôi trong vòng một vài tháng khi thấy con mái miệng ngậm rác bay qua bay lại , bạn thả chim trống vô vào buổi chiều và để ổ cho chim đẻ . Ổ lót bằng cỏ khô thì tốt hơn , trong vài ngày đầu chim mái vứt các cỏ ấy ra ngoài tung tóe , sau đó lượm tha trở lại vô ổ và nằm xoáy thành một lỗ tròn . Khi ấy bạn có thể để thêm bông gòn xé nhỏ ra để chim mái tha vô bện ổ . Trong vòng 10 ngày thì chim mái bắt đầu đẻ , mỗi ngày đẻ trứng trước 8 giờ sáng . Chim Yến đẻ từ 3 đến 5 trứng , mỗi ngày chim đẻ bạn lấy trứng ra cất đến khi chim mái đẻ trứng chót có màu xanh đậm hơn các trứng trước , bạn bỏ tất cả trứng vô cho mái ấp một lượt để chim con sau nầy nở ra cùng một lúc dễ nuôi đều . Chim Yến mái ấp 13 ngày trứng nở , nuôi con từ 20 đến 25 ngày thì đẻ ổ khác liên tiếp cho đến khi thay lông mới nghỉ đẻ . Thời gian thay lông từ 8 đến 9 tuần lễ . Sau đó chim mới sung mướt trở lại và bắt đầu đẻ nữa . Với 2 mái đẻ và một trống , trong năm bạn có một bầy chim con từ 25 đến 35 con . Khi ấy bạn tuyển chọn những con chim bạn ưng ý nhất để lập thành một giống chim của bạn chơi . Như các loại chim ở đồng bằng , chim Yến hót bay ngang , thích hợp với lồng dài 50cm , cao 4m và ngang 40cm . Chim con bạn nuôi trong lồng rộng và dài hơn để chim có thể bay xa nở ngực và đẻ tốt sau nầy . Lồng từ 1m đến 1m20 , cao 50cm , ngang 50cm nuôi được 10 chim con .

Chim Yến hót ăn rất ít , căn bản thức ăn là các loại hạt nhỏ tùy ở mỗi địa phương có như ở xứ ta thì cho ăn hạt kê , hạt cải các loại , các loại lá cải , xà lách son v.v…các loại hạt lớn có chất dầu và chất bột như hạt bông hướng dương phải đập nhỏ ra , bánh mì cắt lát thấm nước hoặc phơi khô giã nhỏ , trứng gà luộc thật chín … Khẩu phần chúng ăn mỗi ngày một muỗng cà phê là đủ . Nếu bạn để thức ăn nhiều quá chim sẽ lựa chọn và xả phí , vì vậy thức ăn chỉ cần để đủ nhưng phải thay mới hàng ngày kể cả nước uống . Chim Yến hót ít khi bị bệnh , không bị các bịnh dịch truyền nhiễm như các loại gà vịt , nhưng phải giữ gìn lồng nuôi chim cho sạch sẽ , tránh kiến và các loại con mạt nhỏ … Các bệnh thông thường của chim Yến là về gan và ruột do thức ăn không tốt gây ra , các bộ phận nầy của chim Yến rất mong manh . Bạn cầm con chim lật ngược lại và thổi mớ lông trên bụng lên , bạn sẽ thấy rõ các bộ phận nầy như là lộ hẳn dưới lớp da bụng của chúng .
Thỉnh thoảng để nước cho chim tắm , trừ trong thời gian thay lông vì lạnh , gió và nắng quá đều làm cho chim bị bệnh .

Tuy nhiên nuôi chim Yến hót Canary không khó khăn và tốn kém nhiều , chỉ cần quan sát chúng hàng ngày , chăm sóc thường xuyên và nhẫn nại thì thế nào bạn cũng có một bầy chim Yến đẹp . Trong lúc rãnh rỗi , mắt bạn muốn nhìn một bức tranh sống động , tai bạn thích nghe âm điệu ngây thơ chất phác . Nhà văn hào Pháp BUFFON ở thế kỷ 18 đã so sánh chim họa mi là ca sĩ của đồng nội và Yến hót là nhạc sĩ ở trong nhà . Con trước hoàn toàn do thiên nhiên tạo ra , con sau nghệ thuật của chúng ta có dự phần vào . Thật vậy , nuôi chim Yến hót nhiều thích thú vì ta có thể tập luyện được giọng hót và pha ghép ra các màu sắc của chúng theo ý muốn . Chim thích nghi với lồng nhỏ hẹp nhưng đầy đủ tiện nghi đối với chúng , vui vẻ hót lên những âm điệu dịu dàng kết hợp thành những đôi uyên ương đầy tình thương yêu . Chúng cùng chung tha rác kết lại làm tổ ấm , cùng mớm mồi âu yếm cho nhau ăn , cùng tha từ hạt cỏ nhỏ đem lên tổ nuôi đám chim non chi chít . Thật là một tuyệt tác chứa chan tình cảm khiến chúng ta nhìn ngắm hàng giờ không chán mắt.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *